Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

Ngồi yên trong bệnh tiểu đường là thua


Nếu được phép chọn lời khuyên ngắn gọn cho người bệnh tiểu đường tôi sẽ không ngần ngại dùng ngay tiếng “ĐỘNG”! Muốn mang đường huyết trở về vị trí bình thuờng vì tuỵ tạng do lý do nào đó bỗng chọn thái độ “Tĩnh” theo kiểu giận lẫy nên không thèm tổng hợp nội tiết tố insulin, hay tuy có làm việc, tuy vẫn sản xuất insulin nhưng dưới dạng mất hoạt tính, cứ như người đến sở để chờ ngày về hưu, thì bệnh nhân không còn chọn lựa nào khác hơn là mượn động để khắc tĩnh. Không những thế, người bệnh tiểu đường thậm chí phải “động” gấp 3,4 lần người chưa bệnh mới mong đẩy lùi căn bệnh tiểu đường trăm mưu ngàn chước.



Trước hết, người bệnh tiểu đường cần chủ động tiếp tay thầy thuốc! Rất nhiều người bệnh vẫn còn quan niệm viên thuốc tiểu đường là giải pháp then chốt trong phác đồ điều trị. Đúng, nhưng chưa đủ. Thầy thuốc có cho đúng thuốc nhưng không thuyết phục nổi bệnh nhân bỏ thuốc lá, ngưng rượu bia thì nhà điều trị mới làm tròn không đến phân nửa chức năng. Phân nửa kia lại tùy thuộc vào trách nhiệm tự giác của bệnh nhân! Thêm vào đó, không ít thầy thuốc tuy cho đủ thuốc nhưng có lẽ vì quá bận rộn nên không lưu ý đến giờ dùng thuốc và liều lượng cho mỗi bệnh nhân cá biệt. Nhiều bệnh nhân tuy dùng thuốc đúng y như thầy đã dạy, nhưng lượng đường trong máu vẫn leo thang theo vật giá chẳng qua vì thầy thuốc điều trị trên tinh thần “ai sao tôi vậy” theo kiểu “mỗi ngày uống 1 viên sau khi ăn sáng” cho tất cả bệnh nhân! Đáng tiếc vì mỗi bệnh nhân tiểu đường là một tổng thể rất cá biệt!


Kế đến, không chỉ chủ động với thuốc, với thầy, ngay cả với cách ăn uống cũng thế. Người bệnh tiểu đường thông qua nhận xét của chính mình sau thời gian dài vật lộn với căn bệnh sẽ biết rõ hơn ai hết, chẳng hạn qua cảm giác mệt mỏi, mắt mờ…, loại thực phẩm nào dễ tăng đường huyết, cũng như món ăn nào “hạp” với bản thân. Cũng dựa vào cảm giác tuy chủ quan nhưng chính xác của người quá quen với thủ đoạn của bệnh tiểu đường, người bệnh có thể vừa thiết kế khẩu phần vừa chọn bữa ăn dựa vào thời điểm lượng đường trong máu xuống thấp, càng thấp càng tốt, để giảm thiểu tình trạng tích lũy chất đường sau bữa ăn, thay vì thụ động tuân thủ tinh thần kỷ luật theo kiểu đúng giờ chuông gõ thì ăn cơm, hay tệ hơn nữa là ăn cơm trước mõ!, lúc đường huyết còn cao. Ai càng chủ động, ai càng linh động, người đó càng có nhiều hy vọng đưa lượng đường huyết sớm trở về khung định mức bình thường sau mỗi bữa ăn.

Tiếp theo là làm sao để người bệnh tiểu đường đừng quên động não, dù đây là lời khuyên không dễ thực hiện. Đã là nạn nhân của bệnh tiểu đường thì sớm muộn cũng đồng hành với tình trạng trầm uất. Không có gì khó hiểu vì người bệnh tiểu đường còn đâu sức lạc quan nếu ngày đêm bị dằn vật vì bệnh, vì thuốc, vì ăn uống kiêng cữ… Nhưng đây lại là điểm cốt lõi trong toàn bộ vấn đề. Theo kết quả nghiên cứu ở Hoa Kỳ, hoạt động tư duy là một trong các biện pháp hữu hiệu để đốt chất đường trong máu. Người bệnh tiểu đường, biết là tuy là rất khó, nên cắn răng xô ngã nỗi buồn để đọc sách, làm toán nhẩm, giải đáp ô chữ, học ngoại ngữ, vẽ tranh, viết thư pháp, soạn nhạc…, kiểu gì cũng được, hay dở bất cần, miễn là đừng để bộ não ngồi yên.

Sau hết, nhưng lại quan trọng vô cùng chính là biện pháp vận động. Mọi hình thức vận động, miễn là đừng thái quá, trước và sau mỗi bữa ăn, chính là biện pháp đơn giản để lượng đường trong máu dù muốn sinh sự cũng khó lòng tác quái. Bài thể dục dưỡng sinh nhiều lần trong ngày, chẳng hạn đi bộ chậm rãi nhưng đều đặn, là chuyện phải làm. Đơn giản hơn nhiều, nhưng không kém phần hữu ích là với cây chổi lau nhà người bệnh tiểu đường có thể tự nhóm ngọn lửa tuy riu riu nhưng từng bước đốt sạch chất ngọt để đẩy lùi thật xa biến chứng của bệnh tiểu đường.

Rất thường khi giải pháp của một vấn đề phức tạp lại đơn giản hơn định kiến. Có một điều chắc hơn đinh đóng cột trong bệnh tiểu đường. Thụ động là chấp nhận thất bại vì căn bệnh ác nghiệt này chỉ công mà không thủ! Tương tự như trong bóng đá, tấn công liên tục là biện pháp phòng vệ hữu hiệu nhất. Trong bệnh tiểu đường cũng thế, chỉ muốn thủ hòa là nắm chắc phần thua!

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng
Nguồn luonglehoang.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét