Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014

Nguy cơ đột quỵ ở người tăng huyết áp

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não là bệnh có tỉ lệ gây tử vong cao và nếu qua cơn nguy kịch thường để lại nhiều di chứng làm mất khả năng lao động, giảm trí nhớ, lú lẫn, liệt.

Nguyên nhân gây đột quỵ

- Đột quỵ xảy ra khi lượng máu cung cấp cho một phần của não bộ đột nhiên bị chặn lại hoặc khi có một mạch máu trong não bộ bị vỡ khiến máu tràn vào những khoảng không xung quanh các tế bào não.

- Đột quỵ thường gặp ở những người trên 55 tuổi có tăng huyết áp (tai biến mạch máu não do tăng huyết áp). Đây là hiện tượng tắc mạch máu não (nhồi máu não) và do chảy máu não (xuất huyết não) bởi bệnh tăng huyết áp (THA) hoặc THA có kèm theo xơ vữa động mạch. Khi xơ vữa động mạch thì thành của lòng động mạch bị dày lên, xù xì làm xơ cứng, hẹp lòng động mạch gây cản trở lưu thông dòng máu, và tạo điều kiện cho sự hình thành cục máu đông. Cục máu đông sẽ bị chặn lại những nơi mạch máu nhỏ (động mạch nuôi tim, não bộ) gây tắc mạch. Các mảng xơ vữa động mạch cũng có thể bị bong ra và cũng gây nên tắc mạch ở những nơi lòng động mạch hẹp (mạch máu não, mạch vành tim).


- Đột quỵ cũng có thể xảy ra nhiều hơn ở người bệnh vừa THA vừa có đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì hoặc có nghiện thuốc lá, nghiện bia, rượu, căng thẳng thần kinh (stress). Vì vậy, khi những động mạch đưa máu lên não bị tắc nghẽn, não sẽ bị thiếu chất dinh dưỡng và oxy, dẫn đến đột quỵ. 

- Sự thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh và ngược lại. 

Triệu chứng của đột quỵ

Những triệu chứng của đột quỵ rất dễ phát hiện: đột nhiên bị tê liệt hoặc đuối sức, đặc biệt là ở một nửa cơ thể; khó phát âm hoặc đầu óc lẫn lộn không hiểu được người khác nói; một mắt nhìn không rõ; đi loạng choạng, chóng mặt hoặc mất thăng bằng hoặc không phối hợp được hoạt động; đau đầu trầm trọng mà không rõ nguyên nhân. Nhiều trường hợp xảy ra đột ngột vào ban đêm cho nên bản thân người bệnh và người nhà không thể biết được, khi phát hiện thì đã hôn mê, đại, tiểu tiện không tự chủ. Biểu hiện lâm sàng do tắc mạch não hay do xuất huyết não rất khó xác định mà cần dựa vào tiền sử bệnh, các xét nghiệm cần thiết như X-quang sọ não, chụp CT não, nếu có điều kiện thì chụp cộng hưởng từ (MRI) não.

Nguyên tắc sơ cứu và phòng bệnh

Sơ cứu

Khi có triệu chứng khởi đầu của đột quỵ xảy ra thì người nhà nên nới lỏng quần áo và để người bệnh nằm ở trên mặt phẳng, gối đầu cao khoảng 30 độ và ở tư thế nằm nghiêng để tránh nguy cơ bị sặc do các chất tiết ra từ miệng. Tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn uống gì hoặc uống bất kỳ một loại thuốc nào khi nghi ngờ bệnh nhân bị đột quỵ. Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo thì bảo người bệnh thở thật sâu và đều vì sẽ giúp cho máu lên não tốt hơn. Và sau đó nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời, tránh đưa bệnh nhân đi xa vì thời gian di chuyển kéo dài càng làm cho tình trạng bệnh sẽ nặng hơn và nguy cơ tử vong cao hơn.

Phòng bệnh

- Cảnh giác với nóng, lạnh đột ngột. 

- Cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để hạn chế xơ vữa động mạch như: hạn chế ăn mỡ động vật, ăn nhiều cá (tốt nhất mỗi tuần ăn 2 - 3 lần cá thay cho ăn thịt), ăn nhiều rau, uống đủ lượng nước hàng ngày (tránh cô đặc máu sẽ hình thành huyết khối). 

- Cai thuốc lá, không nên lạm dụng bia, rượu.

- Đối với bệnh THA, đái tháo đường, tăng mỡ máu… để phòng đột quỵ thì nên điều trị theo đơn của bác sĩ khám bệnh nhằm duy trì huyết áp ở mức trung bình và thực hiện chế độ sinh hoạt hợp lý.

- Nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm và có biện pháp điều trị kịp thời.

PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU
Theo sức khỏe & đời sống
Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

Biện pháp phòng và điều trị tăng huyết áp

Tăng huyết áp (THA) là bệnh mạn tính rất thường gặp trong cộng đồng và gia tăng theo độ tuổi. Bệnh rất nguy hiểm và là nguyên nhân gây ra các bệnh lý tim mạch như bệnh động mạch vành, nhồi máu cơ tim, bệnh lý mạch máu não, bệnh động mạch ngoại biên, phình tách động mạch chủ,... Vì vậy, việc phòng ngừa và điều trị THA là rất quan trọng và là 1 quá trình lâu dài.

Huyết áp mục tiêu cần đạt là dưới 140/90mmHg, nếu bệnh nhân bị tiểu đường thì con số huyết áp mục tiêu được khuyến cáo bởi Hiệp hội Tim mạch châu Âu (ESC) năm 2013 là dưới 140/85mmHg, người có tuổi có mức huyết áp tâm thu ≥ 160 mmHg nên được điều chỉnh về mức khoảng 140-150mmHg một cách từ từ, tránh thay đổi đột ngột. Tuy nhiên, căn cứ theo từng bệnh và cơ địa bệnh nhân cụ thể, người thầy thuốc sẽ đưa ra phương thức điều trị hợp lý nhất cho người bệnh.


Các biện pháp thay đổi lối sống

Đây là biện pháp điều trị không thể thiếu mà mọi bệnh nhân cần phải thực hiện để đạt được huyết áp mục tiêu và giảm số thuốc cần dùng:

- Hạn chế uống rượu, bia.

- Ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào.

- Chế độ ăn hợp lý, đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng. Ăn nhạt: Dưới 5-6g muối/ngày; Tăng cường rau xanh, hoa quả tươi; Hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và acid béo no.

- Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp: tập thể dục, đi bộ nhẹ nhàng hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30 - 60 phút mỗi ngày.

- Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; cần thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý.

- Tránh bị lạnh đột ngột.

- Tích cực giảm cân (nếu quá cân), duy trì cân nặng lý tưởng - Cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ.

Điều trị THA bằng thuốc

Có rất nhiều loại thuốc khác nhau có tác dụng điều trị THA. Mỗi thuốc này có những ưu nhược điểm riêng và phù hợp với từng đối tượng người bệnh khác nhau. Người bệnh cần được khám tổng thể và đo huyết áp tại các cơ sở y tế để được bác sĩ đánh giá tổng thể các yếu tố nguy cơ, áp dụng phác đồ điều trị phù hợp và tư vấn về thay đổi lối sống, cách sử dụng thuốc và các tác dụng phụ của thuốc hạ áp.

Các nhóm thuốc chính dùng để điều trị THA gồm có:

- Thuốc ức chế men chuyển
- Thuốc chẹn kênh canxi
- Thuốc chẹn beta giao cảm
- Thuốc lợi tiểu
- Thuốc ức chế thụ thể AT1 của Angiotensin II

Người bệnh cần được định kỳ kiểm tra một số xét nghiệm như: phân tích nước tiểu; xét nghiệm sinh hóa máu; xét nghiệm về huyết học... nhằm đánh giá tổng thể và chi tiết hơn về THA.

Ngoài các biện pháp phòng ngừa và điều trị trên, nên kiểm tra theo dõi huyết áp tường xuyên, nâng cao nhận thức và hiểu biết về bệnh THA, biến chứng của THA và các yếu tố nguy cơ tim mạch khác... sẽ giúp mỗi chúng ta phòng chống và điều trị THA hiệu quả hơn.

Chương trình PCTHA - Viện Tim mạch Quốc gia
Theo skds
Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

Bài thuốc điều trị viêm mũi dị ứng với tỏi

Tỏi là một phụ gia quen thuộc trong mỗi bữa ăn. Ngoài ra, tỏi còn là một trong những loại thuốc tự nhiên diệu kỳ nhất mà con người còn lưu giữ cho tới ngày nay. 

Công dụng của tỏi

Trong tỏi có chứa chất kháng sinh tự nhiên allicin có tác dụng tiêu diệt các virut gây bệnh, tinh dầu tỏi có nhiều chấy glucogen, aliin, fitonxit giúp sát trùng, chống viêm nhiễm. Tỏi dùng để điều trị các bệnh về viêm nhiễm ở ngoài da, các bệnh về tiêu hóa và hô hấp đem lại hiệu quả bất ngờ.

Từ xa xưa, mọi người đã biết tỏi để chữa bệnh cúm. Tỏi cũng được dùng để tăng sức bền và còn là một loại kháng sinh tự nhiên có tác dụng giảm cholesterol trong máu, ngừa ung thư và giảm huyết áp.

Tỏi còn có tác dụng làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày, hạn chế nguy cơ nghẽn động mạch và giảm thiểu nồng độ cholesterol. Ngoài ra, tỏi còn có thể tiêu diệt và ngăn chặn sự phát triển của các loại nấm và vi khuẩn gây bệnh.


Tỏi rất an toàn dù ở bất kỳ hình thức nào (nguyên tép, giã...). Tuy nhiên, chỉ nên dùng khoảng 1 hoặc 2 tép tỏi hằng ngày thì sẽ rất tốt cho sức khỏe của mình. Bạn có thể sử dụng tỏi tươi hay tỏi bột để thêm vào các món súp, thịt, rau hay salad, hoặc thậm chí ăn sống.

Các bài thuốc trị viêm mũi dị ứng với tỏi

Có thể ăn tỏi tươi để chữa viêm mũi dị ứng. Nên dùng khoảng 2 tép tỏi trong bữa ăn hàng ngày sẽ giúp tình trạng nghẹt mũi và hắt hơi được cải thiện đáng kể.

Rượu tỏi

Cách làm: Tỏi đã bóc vỏ đem thái nhỏ hoặc giã nát, cho vào chai ngâm với khoảng 1 lít rượu trắng, để chỗ thoáng mát trong 10 ngày và thỉnh thoảng lại lắc chai rượu, dần dần rượu sẽ chuyển từ màu trắng sang màu nghệ và uống được. Mỗi ngày dùng 2 lần vào buổi sáng và tối với liều lượng khoảng 40 giọt (1 muỗm cafe).

Tỏi và dầu vừng

Cách làm: Có thể dùng tỏi giã ra rồi vắt lấy nước, trộn đều với dầu vừng nửa nọ, nửa kia. Dùng nước muối để vệ sinh mũi, lau sạch và dùng bông thấm thuốc này nhét vào mũi.

Tỏi và mật ong

Cách làm: Ép tỏi lấy dịch, 1 chút mật ong, pha theo tỷ lệ 1 phần dịch tỏi, 2 phần mật ong. Hòa đều vào nhau rồi thấm vào bông gòn (đừng nên thấm quá ướt) và nhét vào mũi mỗi ngày 3 lần.

Lưu ý: Ăn một số lượng lớn tỏi tươi, nhất là vào lúc đói có thể gây cảm giác khó chịu, đầy chướng bụng, buồn nôn, ỉa chảy và rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột. Đắp tỏi tươi có thể gây cảm giác rát bỏng, viêm da và nổi bọng nước tại chỗ. Ngoài ra, việc dùng viên tỏi kéo dài có thể gây giảm đường huyết trong một số trường hợp.

Nguồn tổng hợp
Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

Giảm nguy cơ đái tháo đường ở người béo phì

Bệnh tiểu đường là một trong những bệnh với nhiều biến chứng nguy hiểm. Có nhiều yếu tố dẫn đến đái tháo đường đặc biệt khi có sự kết hợp hoặc tương tác với các yếu tố béo phì, chế độ ăn uống không hợp lý, lối sống ít vận động. Đây là những yếu tố nguy cơ chính góp phần chuyển đổi từ trạng thái nhạy cảm với insulin sang đề kháng insulin dẫn đến ĐTĐ.

Béo phì

Béo phì là một trong những nguyên nhân chính gây tình trạng đề kháng insulin cùng các rối loạn chuyển hóa khác như tăng huyết áp và rối loạn lipid máu, đều có khả năng tiến triển thành ĐTĐ nếu không được kiểm soát tốt.

Nên điều chỉnh lối sống, có chế độ ăn uống hợp lý để có thể thay đổi ảnh hưởng của béo phì lên sự hình thành ĐTĐ:


Lối sống

Nên hoạt động thể lực thường xuyên với mức tiêu hao năng lượng khoảng 500 kcal/tuần có thể làm giảm 6% nguy cơ ĐTĐ. 

Rượu và thuốc lá cũng là yếu tố nguy cơ cao của ĐTĐ, ảnh hưởng gián tiếp qua trung gian béo phì, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp trên chuyển hóa glucose qua tác động trên bài tiết insulin và độ nhạy của insulin. Nguy cơ ĐTĐ phụ thuộc vào mức độ hút thuốc cũng như uống rượu. Tiêu thụ rượu ở mức độ nhẹ đến trung bình (dưới 48g alcohol/ngày) có thể làm giảm gần 30% nguy cơ ĐTĐ, trong khi nghiện rượu nặng tăng nguy cơ ĐTĐ hơn 2 lần.

Chế độ ăn uống không hợp lý

- Tiêu thụ thực phẩm có chỉ số đường huyết cao có thể dẫn đến tăng quá mức glucose máu và nồng độ insulin và làm xấu đi tình trạng đề kháng insulin ở nhóm đối tượng mẫn cảm cao.

- Việc tiêu thụ các chất béo không bão hòa đơn hay đa (chất béo thực vật) có lợi đối với quá trình chuyển hóa glucose và tăng độ nhạy của insulin. Ngược lại, chế độ ăn giữa chất béo bão hòa và chuỗi trans (chất béo động vật) làm giảm độ nhạy của insulin và ảnh hưởng bất lợi đến sự chuyển hóa glucose.

- Nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, vitamin D và calci cũng góp phần gia tăng độ nhạy của insulin, góp phần đẩy lùi diễn tiến của ĐTĐ.

- Có thể ăn phối hợp giữa gạo trắng với các loại thực phẩm khác có thể giúp khống chế được mức đường huyết. Nên tính đến việc thay thế gạo trắng bằng ngũ cốc nguyên hạt và chất xơ sẽ tốt hơn. Chế độ ăn uống giàu chất xơ làm chậm sự hấp thụ carbohydrat và điều hòa phản ứng bài tiết insulin.

Di truyền

Nguy cơ ĐTĐ cao hơn nếu tiền sử gia đình có một hoặc nhiều người thân trực hệ (bố, mẹ, anh, chị, em) bị ĐTĐ; phụ nữ có tiền sử ĐTĐ thai kỳ hoặc từng sinh một em bé nặng hơn 4kg; tiền sử bản thân có glucose máu cao hoặc rối loạn dung nạp glucose; tiền sử bản thân bị suy dinh dưỡng bào thai hoặc có cân nặng lúc sinh thấp.

Tuổi

Nguy cơ của ĐTĐ tăng theo quá trình lão hóa. Ở các nước đang phát triển, ĐTĐ thường tập trung ở độ tuổi 45 - 64. Thay đổi cấu trúc cơ thể với tình trạng tăng tích lũy mỡ bụng là yếu tố chính dẫn đến tăng nguy cơ ĐTĐ ở dân số trung niên và già. Ngoài ra, cùng với quá trình lão hóa, kích thước khối cơ quan trọng liên quan trực tiếp đến chuyển hóa đường giảm, dẫn đến yếu cơ và giảm khả năng vận động thể lực. Những thay đổi này làm giảm năng lượng tiêu hao, dễ tích lũy mỡ bụng gây tình trạng đề kháng insulin.

Chủng tộc

Do có sự khác biệt về thành phần cơ thể, đặc biệt là khối lượng và thể tích mô mỡ nội tạng nên nguy cơ ĐTĐ được ghi nhận nhiều hơn ở người Mỹ gốc Phi, gốc Tây Ban Nha và người châu Á.

Theo khoahocphothong.com.vn
Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Cách phòng ngừa và ngăn chặn bệnh cao huyết áp

Bệnh cao huyết áp là căn bệnh thường gặp và gia tăng theo độ tuổi. Bệnh rất nguy hiểm, nếu không kiểm soát tốt dễ dẫn đến các biến chứng nặng như tai biến thâm chí dẫn đến tử vong. Nắm rõ các yếu tố nguy cơ của cao huyết áp, bạn cần điều chỉnh lại thói quen sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng phòng ngừa bệnh cao huyết áp hiệu quả.

Huyết áp cao có thể được ngăn chặn nếu chúng ta thực hiện và duy trì một lối sống lành mạnh như:


- Giảm lượng muối. Ít hơn 4 gram mỗi ngày là mục tiêu. 

- Tập thể dục thường xuyên. Người không hoạt động thể chất có nguy cơ bị tăng huyết áp gấp 50% so với người thường xuyên vận động tập luyện. Một chương trình tập thể dục thường xuyên có thể giúp hạ huyết áp trong thời gian dài. Các hoạt động như chạy bộ, đi xe đạp, đi bộ, hoặc bơi lội trong 30 đến 45 phút mỗi ngày có thể giảm huyết áp 5 đến 15 mm Hg. Đây cũng là một mối quan hệ giữa số lượng tập thể dục và mức độ mà huyết áp được hạ xuống. Vì vậy, thêm một bài tập luyện thì có khả năng làm hạ huyết áp. Phản ứng có lợi này chỉ xảy ra với các chương trình tập thể dục duy trì bền lâu. Bất kỳ chương trình tập thể dục nào cũng nên được sự khuyến khích hay chấp thuận của bác sĩ. 

- Ngủ đủ giấc. Bệnh nhân nên chắc chắn để có được giấc ngủ đủ để thư giãn tâm trí và cơ thể. 

- Hạn chế uống bia rượu, cafe. Uống quá nhiều rượu, cafe có thể làm tăng huyết áp. Nếu có thể uống không quá hai ly một ngày. 

- Duy trì một trọng lượng khỏe mạnh. Thừa cân có thể làm tăng nguy cơ cao huyết áp đến 2-6 lần so với người bình thường và mắc nhiều bệnh khác như rối loạn lipid máu, bệnh lý tim mạch, đái tháo đường…

- Giảm bớt căng thẳng. Giảm căng thẳng cũng có thể giúp hạ huyết áp. Phương pháp giúp thư giãn để giảm bớt căng thẳng bao gồm hít thở sâu, thư giãn cơ bắp, tinh thần thư giãn, thư giãn với âm nhạc, yoga, thiền định.

Cao huyết áp thường xuất hiện từ trước khi có các biến chứng. Lý tưởng nhất, tăng huyết áp cần được điều trị sớm trước khi gây ảnh hưởng xấu các cơ quan quan trọng trong cơ thể. Mỗi chúng ta cần nâng cao nhận thức và tự kiểm trahuyết áp bằng máy đo huyết áp cá nhân để phát hiện sớm bởi tầm soát tăng huyết áp không có biến chứng là chìa khóa để điều trị thành công. Điều trị sớm thành công của huyết áp cao có thể làm giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ, đau tim và suy thận. 

Theo sieuthiyte.vn
Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

Sử dụng ống thuốc hít trong điều trị bệnh hen suyễn

Thuốc hít hen suyễn là cách hiệu quả nhất để đưa thuốc đến cơ thể những người bị bệnh hen suyễn và các bệnh phổi khác. Bao giờ tự hỏi bạn đang sử dụng một ống hít hen suyễn đúng cách?

Nhiều người bối rối khi lần đầu tiên sử dụng một ống hít hen suyễn. Cho dù bạn có bệnh hen suyễn hoặc đang chăm sóc cho một người nào, điều quan trọng là phải biết thêm về thuốc hít hen suyễn, bao gồm cả cách sử dụng chính xác.

Ống thuốc hen suyễn là gì? 

Một ống hít hen suyễn là một thiết bị cầm tay mang thuốc suyễn thẳng vào đường hô hấp. Mặc dù thuốc chữa bệnh suyễn có thể được dùng bằng đường uống và tiêm tĩnh mạch, một loại thuốc hít hen suyễn được phân phối trực tiếp vào phổi để giúp giảm các triệu chứng hen suyễn nhanh hơn và ít tác dụng phụ. 



Làm thế nào dùng thuốc bằng một ống thuốc hen suyễn? 

Ống xịt hen có thể cung cấp các loại thuốc trong nhiều trường hợp khác nhau. Bao gồm: 

Thuốc hít định liều (MDI): Một liều thuốc hít đo định liều (MDI) cung cấp thuốc suyễn thông qua một ống (hộp) thuốc phun cầm tay nhỏ. Liều thuốc cần sử dụng được đưa vào miệng của bạn khi bạn nhấn xịt xuống 1 làn thuốc trên ống thuốc nhờ đó bạn hít thuốc dễ dàng hơn. 

Thuốc hít bột khô (DPIs): bột hít hen suyễn khô yêu cầu bạn phải hít thở một cách nhanh chóng và sâu để sử dụng đúng cách. Sử dụng thuốc hít hen suyễn khi cơn suyễn kịch phát có thể gặp khó khăn nếu bạn không kiểm soát được hít thở thật sâu. Lưu ý tham khảo trước để được hướng dẫn cẩn thận khi dùng bột hít khô.

Khi dùng ống thuốc xịt hít hen suyễn có kết hợp cùng với buồng đệm - buồng hít hen suyễn đúng cách sẽ làm tăng cường khả năng cung cấp thuốc, hiệu quả nhanh.



Khí dung: Sử dụng thuốc bằng đường hít nhờ một thiết bị gọi là máy khí dung thông qua miệng đưa thuốc hoặc mặt nạ hít dẫn đưa thuốc và cơ thể. Phương pháp này có tác dụng sử dụng thuốc dễ dàng hơn và bạn có thể thực hiện thở bình thường. Khí dung qua mặt nạ thường được sử dụng cho trẻ nhỏ hoặc những người mắc suyễn nặng không thể sử dụng thuốc hít định liều (thuốc hít bột khô) 

Những loại thuốc hít đang được sử dụng trong hen suyễn? 

Thuốc được sử dụng trong hen suyễn là kháng viêm (steroid như prednisone), thuốc giãn phế quản, hoặc cả hai (một ống hít kết hợp). 

Thuốc chống viêm dạng hít được sử dụng trong hen suyễn giúp ngăn ngừa cơn suyễn và làm giảm sưng và sản xuất chất nhầy trong đường hô hấp. Các thuốc kháng viêm giúp người bệnh kiểm soát hen suyễn tốt hơn. 

Thuốc hít giãn phế quản hen suyễn, được sử dụng để giảm bớt các triệu chứng hen suyễn như thở khò khè, khó thở, và ho. Thuốc giãn phế quản hít làm giãn hoặc mở rộng đường hô hấp, giúp giảm các triệu chứng hen suyễn. 

Tổng hợp Quỳnh Trang
Dịch từ Webmd.com

Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014

Các dấu hiệu nhận biết bạn bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường không có các biểu hiện rõ ràng, quan trọng là người bệnh cần quan sát những dấu hiệu thay đổi khác lạ của cơ thể. Nếu bạn thấy cơ thể có những biểu hiện sau đây hãy đi khám bác sĩ ngay, để có kết luận sớm nhất bạn có mắc bệnh hay không.


- Đói liên tục: Nếu không có đủ insulin để chuyển đường vào các tế bào, cơ bắp và các cơ quan của bạn trở nên cạn kiệt năng lượng. Điều này gây nên đói dữ dội.

- Khát nước và đi tiểu nhiều: Khi lượng đường dư thừa tích tụ trong máu, chất lỏng được thu về từ các mô  khiến bạn khát nước. Kết quả là, bạn có thể uống nước và đi tiểu nhiều hơn bình thường.

- Mệt mỏi: Nếu tế bào cơ thể của bạn bị thiếu chất đường, bạn có thể trở nên mệt mỏi và dễ cáu kỉnh.

- Giảm cân: Mặc dù ăn nhiều hơn bình thường để làm giảm đói, nhưng bạn vẫn có thể giảm cân. Nếu không có khả năng tiêu thụ đường (glucose), cơ thể sử dụng nhiên liệu thay thế được lưu trữ trong cơ và chất béo. Năng lượng bị mất là glucose dư thừa được bài tiết vào trong nước tiểu.

- Mắt mờ: Nếu lượng đường trong máu quá cao, chất lỏng có thể được kéo từ các tròng mắt. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng tập trung và nhìn rõ của mắt. Vậy nên người bệnh bị tiểu đường thường có cảm giác nhìn mờ, không rõ.

- Vết thương lâu lành: Người bị bệnh tiểu đường dễ bị các vết thương lở loét, dễ nhiễm trùng thường xuyên và lâu lành bởi bệnh tiểu đường type 2 ảnh hưởng đến khả năng chữa lành vết thương và chống lại nhiễm trùng của cơ thể. Đặc biệt là các vết thương ở chân, tốt nhất dù ra ngoài hay không thì vẫn nên mang vớ - loại vớ dành cho người tiểu đường để bảo vệ chân.

- Da sẫm màu: Một số người bị bệnh tiểu đường type 2 có các mảng da sẫm mà, nhất là ở những vùng da bị gấp nhiều, ví dụ như ở nách và cổ. Tình trạng này, được gọi là acanthosis nigricans, có thể là một dấu hiệu của kháng insulin.

Các chuyên gia đã khuyến cáo rằng tốt nhất nên phòng bệnh tiểu đường, hãy tập các thói quen tốt, ăn uống sinh hoạt hợp lý, tham gia các hoạt động thể chất hằng ngày để duy trì một cơ thể khỏe mạnh.

Đặc biệt cần theo dõi sức khỏe của bạn. Thường xuyên đo huyết áp, kiểm tra đường huyết, cholesterol, kịp thời phát hiện và tìm cách điều trị sớm.

Theo sieuthiyte.vn