Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

Những điều cần biết về bệnh viêm họng ở trẻ

Viêm họng là bệnh đường hô hấp hay gặp nhiều nhất ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân gây bệnh là do thời tiết mùa hè nóng nực, trẻ ra mồ hôi nhiều, bị nhiễm lạnh do nằm quạt, điều hòa hoặc sức đề kháng giảm.

1. Biểu hiện của bệnh viêm họng

Trẻ mắc bệnh giai đoạn đầu thường có những biểu hiện rất đặc trưng ở vùng mũi - họng. Trẻ thường có triệu chứng nóng rát trong cổ họng, kêu khát nước. Dần dần, họng chuyển sang đau nhói mỗi lần nói, nuốt thức ăn, đau lan lên tai, đồng thời kèm theo ho khan và khàn tiếng. Họng bị viêm tấy, sưng đỏ khiến trẻ sốt cao đột ngột (38 – 39 độ C), nổi hạch ở vùng cổ, đau mỏi cơ thể, ăn ngủ kém.

Ngoài ra, trẻ bị viêm họng còn có các triệu chứng đi kèm của bệnh viêm mũi. Mũi tăng tiết dịch, chảy xuống họng càng khiến họng viêm nhiễm nặng hơn. Khi bị sổ mũi, trẻ có xu hướng không hít thở bằng mũi mà chuyển sang thở bằng họng để có cảm giác thoải mái hơn. Tuy nhiên, chính hành vi này khiến vi khuẩn, bụi bẩn,… ngoài không khí xâm nhập vào họng làm nặng thêm tình trạng viêm họng.


2. Nguyên nhân gây bệnh viêm họng

Viêm họng cấp tính thường khởi phát đột ngột, nguyên nhân gây bệnh là do sự thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột, khói bụi, ô nhiễm tấn công hệ hô hấp trong khi sức đề kháng của trẻ giảm, dẫn tới viêm họng.

Ngoài ra còn do một số nguyên nhân ít gặp khác nhưng đặc biệt nguy hiểm đó là viêm họng do virus, vi khuẩn trong đó có liên cầu khuẩn nhóm A. Liên cầu khuẩn này gây viêm họng và có thể biến chứng sang thận.

3. Biến chứng của bệnh viêm họng

Đối với người khỏe mạnh, viêm họng khởi phát đột ngột (viêm họng cấp) thường kéo dài 3 – 4 ngày sau đó các triệu chứng giảm dần và khỏi bệnh. Tuy nhiên, với những người có sức đề kháng kém như trẻ em, người già, bệnh có thể tiến triển thành viêm họng mãn hoặc gây các biến chứng như viêm tai, viêm phế quản, viêm cầu thận cấp nếu nguyên nhân gây bệnh là liên cầu khuẩn nhóm A.

4. Cách điều trị và phòng bệnh viêm họng

Điều trị viêm họng, chủ yếu là trị triệu chứng bệnh. Nếu bệnh ở thể nhẹ, có thể áp dụng một số bài thuốc dân gian. Cắt chanh thành lát mỏng, ngậm kèm với mấy hột muối có tác dụng diệt khuẩn tốt. Uống nước lá tía tô hoặc ăn cháo tía tô nóng giúp giải cảm, diệt khuẩn, làm ấm họng, giảm cảm giác ngứa rát họng. Ngoài ra, khi ra ngoài hoặc tiếp xúc với môi trường bụi bẩn nên đeo khẩu trang và súc miệng bằng nước muỗi loãng khi về nhà để loại trừ vi khuẩn.

Mùa đông, bố mẹ nên quàng khăn, mặc áo giữ ấm cổ, không cho trẻ uống hoặc ăn các đồ lạnh. Mùa hè cũng không vì thời tiết nóng bức mà ăn nhiều kem, nước đá, uống nước lạnh hoặc nằm quạt, điều hòa mạnh. Khi trẻ ra mồ hôi nhiều, bố mẹ cần thay quần áo khô cho trẻ ngay đề phòng nhiễm lạnh

Vệ sinh vùng họng thường xuyên, mỗi ngày bằng nước muối pha loãng hoặc dung dịch NaCl 0,9% có tác dụng phòng viêm họng rất tốt, an toàn và phù hợp với mọi đối tượng.

Nên khuyến khích trẻ uống nước hoặc ăn các loại quả có họ với cam, quýt để tăng sức đề kháng.

Để điều trị triệt để, giúp trẻ nhanh chóng thoát khỏi những triệu chứng đau rát khó chịu và phòng ngừa bệnh tái phát thì điều quan trọng nhất là cần giữ ấm và sạch vùng họng.

Nếu bệnh có tiến triển nặng, trẻ đau rát họng nhiều, sốt cao,… thì bố mẹ nên đưa trẻ tới các cơ sở y tế để điều trị không tự ý dùng thuốc tại nhà.

Theo nhatkybe.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét