Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

Giảm nguy cơ đái tháo đường ở người béo phì

Bệnh tiểu đường là một trong những bệnh với nhiều biến chứng nguy hiểm. Có nhiều yếu tố dẫn đến đái tháo đường đặc biệt khi có sự kết hợp hoặc tương tác với các yếu tố béo phì, chế độ ăn uống không hợp lý, lối sống ít vận động. Đây là những yếu tố nguy cơ chính góp phần chuyển đổi từ trạng thái nhạy cảm với insulin sang đề kháng insulin dẫn đến ĐTĐ.

Béo phì

Béo phì là một trong những nguyên nhân chính gây tình trạng đề kháng insulin cùng các rối loạn chuyển hóa khác như tăng huyết áp và rối loạn lipid máu, đều có khả năng tiến triển thành ĐTĐ nếu không được kiểm soát tốt.

Nên điều chỉnh lối sống, có chế độ ăn uống hợp lý để có thể thay đổi ảnh hưởng của béo phì lên sự hình thành ĐTĐ:


Lối sống

Nên hoạt động thể lực thường xuyên với mức tiêu hao năng lượng khoảng 500 kcal/tuần có thể làm giảm 6% nguy cơ ĐTĐ. 

Rượu và thuốc lá cũng là yếu tố nguy cơ cao của ĐTĐ, ảnh hưởng gián tiếp qua trung gian béo phì, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp trên chuyển hóa glucose qua tác động trên bài tiết insulin và độ nhạy của insulin. Nguy cơ ĐTĐ phụ thuộc vào mức độ hút thuốc cũng như uống rượu. Tiêu thụ rượu ở mức độ nhẹ đến trung bình (dưới 48g alcohol/ngày) có thể làm giảm gần 30% nguy cơ ĐTĐ, trong khi nghiện rượu nặng tăng nguy cơ ĐTĐ hơn 2 lần.

Chế độ ăn uống không hợp lý

- Tiêu thụ thực phẩm có chỉ số đường huyết cao có thể dẫn đến tăng quá mức glucose máu và nồng độ insulin và làm xấu đi tình trạng đề kháng insulin ở nhóm đối tượng mẫn cảm cao.

- Việc tiêu thụ các chất béo không bão hòa đơn hay đa (chất béo thực vật) có lợi đối với quá trình chuyển hóa glucose và tăng độ nhạy của insulin. Ngược lại, chế độ ăn giữa chất béo bão hòa và chuỗi trans (chất béo động vật) làm giảm độ nhạy của insulin và ảnh hưởng bất lợi đến sự chuyển hóa glucose.

- Nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, vitamin D và calci cũng góp phần gia tăng độ nhạy của insulin, góp phần đẩy lùi diễn tiến của ĐTĐ.

- Có thể ăn phối hợp giữa gạo trắng với các loại thực phẩm khác có thể giúp khống chế được mức đường huyết. Nên tính đến việc thay thế gạo trắng bằng ngũ cốc nguyên hạt và chất xơ sẽ tốt hơn. Chế độ ăn uống giàu chất xơ làm chậm sự hấp thụ carbohydrat và điều hòa phản ứng bài tiết insulin.

Di truyền

Nguy cơ ĐTĐ cao hơn nếu tiền sử gia đình có một hoặc nhiều người thân trực hệ (bố, mẹ, anh, chị, em) bị ĐTĐ; phụ nữ có tiền sử ĐTĐ thai kỳ hoặc từng sinh một em bé nặng hơn 4kg; tiền sử bản thân có glucose máu cao hoặc rối loạn dung nạp glucose; tiền sử bản thân bị suy dinh dưỡng bào thai hoặc có cân nặng lúc sinh thấp.

Tuổi

Nguy cơ của ĐTĐ tăng theo quá trình lão hóa. Ở các nước đang phát triển, ĐTĐ thường tập trung ở độ tuổi 45 - 64. Thay đổi cấu trúc cơ thể với tình trạng tăng tích lũy mỡ bụng là yếu tố chính dẫn đến tăng nguy cơ ĐTĐ ở dân số trung niên và già. Ngoài ra, cùng với quá trình lão hóa, kích thước khối cơ quan trọng liên quan trực tiếp đến chuyển hóa đường giảm, dẫn đến yếu cơ và giảm khả năng vận động thể lực. Những thay đổi này làm giảm năng lượng tiêu hao, dễ tích lũy mỡ bụng gây tình trạng đề kháng insulin.

Chủng tộc

Do có sự khác biệt về thành phần cơ thể, đặc biệt là khối lượng và thể tích mô mỡ nội tạng nên nguy cơ ĐTĐ được ghi nhận nhiều hơn ở người Mỹ gốc Phi, gốc Tây Ban Nha và người châu Á.

Theo khoahocphothong.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét